Đăng ký kinh doanh nhà hàng - quán ăn cần thủ tục gì?

Thủ tục rườm rà, giấy tờ phức tạp, thời gian chờ đợi lâu… là những gì mọi người thường nghĩ về việc đăng ký kinh doanh nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên, vấn đề có thể nằm ở chỗ bạn chưa nắm rõ luật và những điều kiện đăng ký. Trên thực tế, nhà hàng, quán ăn của bạn buộc phải có giấy phép kinh doanh mới có thể đi vào hoạt động.
Có hai hình thức kinh doanh chính là kinh doanh hộ cá thể và kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp. Mỗi loại hình sẽ có những giấy tờ riêng. Bài viết dưới đây sẽ cô đọng tất cả những nội dung và giấy tờ pháp lý cần thiết nếu muốn chọn mô hình kinh doanh hộ cá thể, tức là dành cho các nhà hàng, quán ăn có quy mô vừa và nhỏ.



Hồ sơ đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ cá thể

Để tránh mất thời gian và bị trả hồ sơ vì thiếu giấy tờ, bước đầu tiên, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh nhà hàng, quán ăn, bao gồm:

• Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
• Bản sao (Photo công chứng) giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của các cá nhân tham gia vào hộ kinh doanh
• Bản sao (Photo công chứng) biên bản họp về việc thành lập hộ kinh doanh

Trình tự, thủ tục đăng ký

Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, bạn chỉ cần nộp hồ sơ ở UBND quận, huyện nơi bạn đặt trụ sở kinh doanh. Theo biểu mức thu phí đăng ký hộ kinh doanh được quy định theo Thông tư số 176/2012/TT-BTC, mức phí bạn cần đóng là 100.000 đồng/lần.

Chỉ trong 3 ngày làm việc, bạn sẽ nhận được giấy biên nhận và giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ sẽ có thông báo bằng văn bản để bạn kịp thời chỉnh sửa và bổ sung.

Bạn cũng có quyền khiếu nại, tố cáo nếu chưa nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc thông báo chỉnh sửa hồ sơ sau 3 ngày làm việc. Như vậy, thủ tục không hề khó khăn và thời gian làm việc cũng không quá dài, tất nhiên không ảnh hưởng đến tiến trình kinh doanh của bạn.



Kinh doanh trong lĩnh vực này, ngoài giấy phép kinh doanh, bạn cần thêm một số giấy tờ khác, cụ thể:

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm: Đây là giấy tờ rất quan trọng để khách hàng tin tưởng chọn lựa nhà hàng, quán ăn của bạn. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bao gồm:

• Đơn xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
• Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
• Bản thuyết minh về tất cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ đảm bảo chất lượng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
• Giấy khám sức khỏe có đóng dấu xác nhận từ bệnh viện của chủ nhà hàng, quán ăn.
• Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh và của người trực tiếp kinh doanh. Đối với hộ kinh doanh, bạn học 1 buổi tại Trung tâm y tế dự phòng nơi đặt trụ sở kinh doanh. Giấy xác nhận có thời hạn 3 năm.

Sau đó, bạn nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT. Trong vòng 15 ngày, nhà hàng, quán ăn của bạn sẽ được đại diện các cơ quan kiểm tra thực tế và cấp giấy chứng nhận. Nếu có điểm nào chưa đạt, họ sẽ phản hồi bằng văn bản có nêu rõ lý do.

- Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu (Dành cho những cửa hàng có bán rượu)

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy

Bên cạnh đó, nhà hàng, quán ăn của bạn cũng cần tuân thủ các quy định về trật tự xã hội của địa phương, các quy định về chỗ gửi xe…

Sau khi hoàn thành mọi thủ tục đăng ký kinh doanh nhà hàng, quán ăn, bạn sẽ tự tin khai trương mà không sợ bất kỳ cơ quan nào “ghé thăm”. Việc kinh doanh của bạn đã thuận lợi bước đầu. Hãy tiếp tục chuẩn bị cho những bước tiếp theo như sáng tạo món ăn mới, đào tạo phong cách phục vụ cho nhân viên, chuẩn hóa sự chuyên nghiệp bằng máy móc và các phần mềm quản lý nhà hàng, quán ăn… Chúc bạn thành công!
Nguồn: Maybanhang.net
0 Nhận xét